Chatting

Create a Meebo Chat Room

Search Books

Bill Gates - đằng sau một ngai vàng (phần 7)


QUỶ SATAN BILL GATES
Năm 1993, một ký giả thông minh viết cho tờ Fortune đã chỉ ra rằng Gates đủ giàu để mua lại toàn bộ sản phẩm mà 99 đối thủ cạnh tranh đã bán ra một năm trước đó chỉ để đốt đi và vẫn còn giàu hơn cả Rupert Murdoch của Tập đoàn Fox hoặc Ted Turner của CNN.

Một tỉ và một xu...
Và đó là thời mà tổng tài sản của Gates chỉ mới 7 tỉ USD, xếp sau người bạn Warren Buffett trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Cho đến cuối năm 1996, Gates đã sở hữu 20,7 tỉ USD cổ phiếu trong Microsoft.
Tháng 10-1997, tổng tài sản của Gates vọt lên tới hơn 49 tỉ USD và không có đối thủ trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Vào thời điểm đó, ông có thể mua toàn bộ Netscape làm nhà kho và tài sản của ông vẫn hơn người xếp thứ hai (Buffett - 21 tỉ USD) và thứ ba (đối tác cũ Paul Allen - 17 tỉ USD) cộng lại.
Steve Ballmer đứng thứ sáu trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ với tài sản trong Microsoft khoảng 8,3 tỉ USD. Người giàu nhất, giàu thứ ba, thứ sáu của Mỹ, tất cả đều từ một công ty. Điều đó có nghĩa tài sản của ba cổ đông hàng đầu Microsoft đã tăng thêm hơn 34 tỉ USD trong 12 tháng trước đó.
Gates đại diện một thế hệ giám đốc điều hành mới, nhưng khác biệt thế nào so với Milkens và Boeskys của những năm 1980, hoặc những trùm tư bản cao su của thời xa xưa? “Chức năng lễ tân tại tổng hành dinh Microsoft ở Redmond sẽ được thuê ngoài, có hiệu lực từ ngày 3-4-1996” - đó là đoạn đầu trong thông báo đăng trên MicroNews.
Nói cách khác, nhân viên lễ tân không còn trực thuộc biên chế Microsoft, và như vậy Microsoft không phải gánh chi phí bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác.
“Chúng tôi muốn tập trung vào năng lực trọng tâm” - một quan chức Microsoft giải thích như vậy. Vào thời điểm đó lượng tiền mặt thanh toán của Microsoft tăng 200 triệu USD/tháng. Như vậy, việc thuê ngoài 63 vị trí lễ tân của công ty đã đẩy doanh thu tăng lên đôi chút, từ 25,2% lên 25,3%!
Đầu năm 1998, Microsoft có gần 5.000 nhân công thời vụ, gần 1/4 tổng lực lượng lao động. Nhân công thời vụ, tất nhiên, không được hưởng bất kỳ phúc lợi nào. Microsoft đã cân đối 50 cent trong mỗi đôla do nhân công dài hạn làm ra để góp vào quỹ hưu trí, song nhân viên tạm thời, như nhân viên lễ tân hoặc nhân viên phòng thư tín, lại làm việc cho một công ty khác.
Theo ví dụ do New York Times đưa ra: một nhân công dài hạn tại công ty được trả 57.000 USD/năm, song Microsoft thực tế phải thanh toán 94.000 USD/năm vì những phúc lợi khác. Theo cách tính này, cứ 1.000 nhân công tạm thời, Microsoft tiết kiệm được gần 37 triệu USD!
Năm 1996, lực lượng nhân công tạm thời đã góp thêm vào khu vực sản xuất trọng tâm của hãng hơn 100 triệu USD. Công ty bơi trong tiền tỉ song vẫn tiết kiệm từng xu.

Khi Bill Gates làm từ thiện...
Templeton hiện quản lý trang web mang tên “Chỉ số tài sản của Bill Gates”.
Nhiều năm trước ông phát hiện điều thú vị: nếu Gates đi qua một tờ 20 USD trên đường, ông cũng chẳng nên bỏ 4 giây cúi xuống nhặt tờ bạc đó lên.
Giữa năm 1997, khi tài sản Gates vượt quá 40 tỉ USD, Templeton tính rằng trên đường đến công ty, Gates không nên nhặt tờ 500 USD dọc đường vì ông ta có thể kiếm được hơn thế nếu tiếp tục đi làm.
Vào thời điểm đó, tốc độ kiếm tiền của Gates đạt 150 USD/giây, 500.000 USD/giờ và 35 triệu USD/tuần.
Năm 1997, Microsoft đã ra thông cáo báo chí tuyên bố là công ty Mỹ “hào phóng nhất” đối với các chương trình làm từ thiện. Ngay sau đó công ty tuyên bố đã tài trợ cả tiền mặt và phần mềm với tổng trị giá lên tới 73,2 triệu USD, và tin này đã chiếm cả một trang trên tờ The Wall Street Journal. Có điều 15% tổng trị giá đó là phần mềm tài trợ cho một tổ chức nhân đạo.
Mặt khác, Microsoft đã định giá phần mềm bằng giá bán lẻ, do đó một bản Microsoft Office chỉ tốn từ 1 hoặc 2 USD để đóng gói và dán tem đều được tính giá 599 USD. Nếu tính theo cách đó, IBM thật sự đã viện trợ nhân đạo hơn Microsoft khoảng 20 triệu USD, trừ một điều, IBM không định tổng giá trị viện trợ theo giá bán lẻ. Có người cho rằng việc Microsoft tài trợ phần mềm cho trường học hoặc thư viện khó có thể liệt vào hành động viện trợ nhân đạo.
“Cho phần mềm là một chiến lược tiếp thị hợp lý - Tom McNichol bình luận như vậy trên tờ Salon, một trong những tạp chí có uy tín nhất nước Mỹ - Tuy nhiên, đó không phải là hành động từ thiện, có cái gì còn hơn thế khi Ford Foundation bỏ ra hàng triệu USD cung cấp bộ phận truyền lực miễn phí mà chỉ thích hợp với các loại xe của Hãng Ford”.
Năm 1997, cá nhân Gates tài trợ 20 triệu USD cho Đại học Cambridge để xây dựng tòa nhà mang tên ông. Một năm trước, Gates cũng bỏ ra 15 triệu USD viện trợ cho Đại học Harvard (cũng cùng một mục đích) và 12 triệu USD cho Đại học Washington.
Quy luật không chính thức là viện trợ chỉ 1% trong tổng thu nhập một năm. Trong một thập niên tính đến năm 1997, Gates đã tài trợ tổng cộng khoảng 70 triệu USD, hoặc 1/3 trong 1% tổng thu nhập của ông vào thời điểm đó.
Để tránh cái biệt danh “kẻ làm việc thiện bủn xỉn”, Gates tuyên bố ông cùng vợ thành lập Hiệp hội thư viện Gates trị giá khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, đó lại là một ví dụ nữa cho thấy ranh giới mập mờ giữa làm từ thiện và chiến lược công ty.
Microsoft có thể tài trợ 200 triệu USD bằng phần mềm, song hiệp hội phải dùng hầu hết số tiền để đào tạo nhân sự về việc sử dụng máy vi tính dùng hệ điều hành Windows và trình duyệt Internet Explorer. Đó chính là một món quà nữa không phải ngẫu nhiên đã làm lợi cho Microsoft. Đó đồng thời cũng là khoản thù lao của người đàn ông có tới 40 tỉ USD.

Đế chế Microsoft
Có vô số trang web nói về đế chế ma quỉ Microsoft và một hiệp hội “Ngăn chặn Bill Gates lấy mọi thứ”. Chưa kể cả một hội chống Internet Explorer. Bạn có thể tham gia danh sách chống Microsoft. Thành viên hội này coi Gates như một tên quỉ số một (evil one) và các sản phẩm của Microsoft là những “Windoze”, “Windblows”, “Winblah” hay “Winshit”.
Đầu năm 1997, trang “Chặn Gates lại” đã khởi xướng sáng kiến dải băng xanh. Từ đó, tất cả trang web chống Microsoft đều trương lên dải băng màu xanh. Có website lấy mặt Gates làm bao đấm công cộng. Bạn có thể đấm vào ảnh người đàn ông giàu nhất thế giới này khi truy cập vào trang “Đấm Bill Gates”. Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ ra cả ngày chơi game “Billy Killer”.
Với trò chơi này, người chơi được bắn vào hình Gates bay lượn như những con vịt. Người chơi càng bắn được nhiều Gates càng được nhiều điểm. Theo thống kê, cụm từ “Giết Bill Gates” xuất hiện nhiều gấp hai lần cụm từ “Giết Bill Clinton” trên Internet.
D. J. Waletzky tạo trang web “Bill Gates là quỉ Satan” khi còn là học sinh lớp 10 tại Trung học Bronx. Vài tháng trước khi thiết kế trang web này, Waletzky đã thuyết phục cha mẹ mua một máy tính xịn cài hệ điều hành Windows NT.
Qua Internet, Waletzky biết rằng, Microsoft đã bán NT trong khi họ biết rõ hệ điều hành có nhiều lỗi kỹ thuật. Thậm chí họ còn tuyên bố với công chúng là NT rất hoàn hảo. Waletzky còn đọc một bài báo cho biết Microsoft sẽ tính tiền bất cứ khi nào có người gọi đến nhờ giúp đỡ.
“Tôi biết rằng hỗ trợ kỹ thuật phải mất tới 95 USD cho một lần gọi, nhiều lúc công việc cũng chẳng có gì. Viết hệ điều hành có lỗi đã quá đáng lắm rồi, đằng này lại thu người ta 95 USD phí hỗ trợ sửa những lỗi đó, đây là hành động của kẻ bòn rút”.
Khi Waletzky gọi quỷ Satan Gates, anh không có ý nói Gates là con quỷ mắt đỏ, mặt có nanh có sọc. Với anh, kẻ có nhiều tiền đến mức trải thảm từ Trái đất đến Mặt trăng được tám vòng, song vẫn móc túi 95 USD mỗi khi có người cần giúp đỡ, kẻ đó đích thực là “chúa tể của bóng tối”.
Tuy nhiên, Gates cũng có nhiều người bảo vệ mình, điển hình là Alex, người đã buộc tội Waletzky ghen tị bởi “Gates là biểu tượng tình dục, còn anh thì không”. Họ coi Gates là một trong những thứ ánh sáng dẫn đường cho họ.
Và họ chỉ nuối tiếc: “Thật không may, Gates không phải là đồng chí của chúng tôi. Chúng tôi có thể giàu hơn nhờ được làm bạn với ông ta hoặc nhờ vào sự bóc lột của ông ta”.
from thursday, july 29, 2010 free counters